Tiếp theo chương trình là phần trình diễn đặc biệt cùng sự hiện diện của những tên tuổi nghệ sĩ hàng đầu thế giới đến từ ban nhạc Imagine Dragons. Âm nhạc của họ thường được so sánh với The Killers và Arcade Fire, mang lại sự tích cực và lạc quan đầy cảm xúc. Tại VinFuture 2024, ban nhạc Imagine Dragons với các nghệ sĩ Dan Reynolds, Wayne Sermon, Ben McKee và Daniel Platzman biểu diễn ca khúc "Believer" và "Whatever It Takes".
Imagine Dragons sở hữu hàng loạt danh hiệu như "Một trong những ngôi sao sáng nhất năm 2012" (tờ Billboard), "Nhóm nhạc đột phá của năm 2013 (kênh MTV), "Bản nhạc rock thành công nhất của năm", với hơn 74 triệu bản album được bán ra, 65 triệu bản nhạc kỹ thuật số, hơn 160 tỷ lượt phát trực tuyến, 10 ca khúc vượt một tỷ lượt phát, 4 MV tỷ view cùng hàng chục MV trăm triệu lượt xem trên Youtube, hàng trăm đề cử và giải thưởng...
21h15 Ba nhà khoa học nhận giải cho nghiên cứu các lĩnh vực mớiGiải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Zelig Eshhar, Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain vì sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác. Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain đã tiếp tục cải tiến liệu pháp tế bào CAR T, giúp liệu pháp này điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Kết quả, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt liệu pháp tế bào CAR T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay, liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới.
Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain và bà Sharon Eshhar (con gái GS. Zelig Eshhar) (từ trái qua) nhận giải thưởng tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành
Vì lý do sức khỏe, GS. Zelig Eshhar vắng mặt nên bà Sharon Eshhar, con gái ông, đã tới nhận giải thay cha. Bà chia sẻ, các công trình nghiên cứu là đam mê lớn nhất của cha bà. Dù hy sinh rất nhiều nhưng nếu được chọn lại, ông luôn sẵn sàng tiếp tục thực hiện các nghiên cứu của mình.
"Với ông, việc cứu một người như cứu cả thế giới", bà nhấn mạnh.
Giáo sư Carl H. June cũng cho biết, ông muốn chia sẻ vui mừng về giải thưởng này tới những đồng nghiệp tại VinFuture cũng như trên toàn cầu. Công trình nghiên cứu này giúp con người tận dụng hệ miễn dịch để chưa trị ung thư, mang lại hy vọng cho bệnh nhân trên toàn cầu.
"VinFuture giúp thúc đẩy các đột phá khoa học, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững. Đây cũng là nguồi động viên cho cộng đồng khoa học, giúp biến những khám phá khoa học này trở thành vật chất có ích cho mọi người", ông nói thêm.
Trên sân khấu nhận giải Giáo sư Michel Sadelain chia sẻ "công trình này giúp chúng tôi điều chỉnh tế bào T, tiêu hủy các tế bào ung thư, chữa các bệnh ung thư máu và 1 số dạng bệnh khác". Ông cho biết việc sử dụng Car-T không chỉ giúp ích cho chữa bệnh ung thư và còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác và liên quan đến cấy ghép.
21h07 Phần trình diễn 'Heritech'Công nghệ và di sản - hai yếu tố tưởng chừng độc lập nhưng đã và đang kết nối với nhau để làm nên những dấu ấn mới của tương lai là "Heritech" (Heritage + Technology), kết hợp giữa từ công nghệ và di sản, dùng công nghệ để tôn vinh di sản, dùng di sản để công nghệ đến gần hơn với mọi người. "Heritech" cũng chính là tên của phần trình diễn ấn tượng trên sân khấu lễ trao giải VinFuture 2024, đến từ biên đạo Mạnh Quyền và nhóm nhảy MQ Dance Team.
21h05 Nữ giáo sư Mỹ nhận giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữGiáo sư Kristi S. Anseth nhận giải nhờ những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh. Theo đó, bà đã tiên phong phát triển các hệ thống nuôi cấy tế bào dựa trên vật liệu sinh học để giải mã các tín hiệu của chất nền ngoại bào (ECM) trong quá trình điều hòa sự phát triển, duy trì và tái tạo mô. Bà đã thiết kế cấu trúc ECM nhân tạo nhằm mô phỏng môi trường vi mô đặc trưng của tế bào và mô trong không gian ba chiều.
Giáo sư Kristi S. Anseth nhận giải thưởng từ Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Giáo sư Sir Richard Henry Friend. Ảnh: Ngọc Thành
Những mô hình này có thể được tùy chỉnh để giúp các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu về các quá trình sinh học trong không gian 4 chiều. Giáo sư Anseth tiến hành nghiên cứu cách các tế bào trao đổi thông tin với ECM, từ đó thiết kế các vật liệu sinh học có khả năng tái tạo mô, điều trị các trạng thái bệnh lý, cũng như sàng lọc thuốc. Bà đã kết hợp sinh học phân tử và tế bào với kỹ thuật và toán học để tạo ra các vật liệu sinh học mới thay thế mô, có khả năng phục hồi, duy trì hoặc cải thiện chức năng của mô.
Phát biểu tại sự kiện, giáo sư Kristi S. Anseth cho biết rất vinh hạnh khi nhận giải thưởng tôn vinh những nhà khoa học nữ. Bà cho rằng lĩnh vực này rất năng động. Bà đã có một chặng đường nghiên cứu nhiều kỷ niệm và dành lời cảm ơn cho những người cộng sự đã sát cánh bên mình trong suốt những năm qua, khuyến khích để bà có thể đối mặt với các thách thức.
Đặc biệt, bà gửi lời cảm ơn tới chồng và con gái - những người luôn ủng hộ bà vô điều kiện. Bà hy vọng có thể thấy cô con gái 17 tuổi của mình cùng thế hệ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn nữa, và thế giới sẽ có thêm nhiều nhà khoa học nữ.
20h50 Nữ tiến sĩ Bangladesh nhận giải dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triểnGiải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về Tiến sĩ Firdausi Qadri với công trình "Sự đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển".
GS Nguyễn Thục Quyên (phải) trao giải cho TS Firdausi Qadri. Ảnh: Ngọc Thành
Sau khi nhận giải, nữ tiến sĩ chia sẻ, trong bốn thập kỷ qua, bà đã rất nỗ lực trong việc phòng chống các bệnh lây nhiễm để đảm bảo các loại vaccine giá phải chăng có thể tiếp cận, chuyển tới những quốc gia đang phát triển, cần những loại vaccine này nhất. Nhờ những giải thưởng như VinFuture, các nhà khoa học như bà có thể mở rộng quy mô, tạo nên nhiều thành tựu hơn.
"Giải thưởng không chỉ đại diện cho nỗ lực của tôi, mà còn là sự tưởng thưởng cho đội ngũ, công ty của tôi và phản ánh sức mạnh khoa học và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng đây sẽ là nguồn cảm hứng cho phụ nữ, đàn ông trẻ trên toàn cầu có thể thúc đẩy nghiên cứu trong việc cải thiện sức khỏe người dân", bà nhấn mạnh.
Tiến sĩ Firdausi Qadri đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả, bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn.
Bệnh tả vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch.
Tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh (ICDDRB), bà đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vaccine sống giảm động lực của Việt Nam, từ đó, rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vaccine chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất.
Nữ tiến sĩ thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.
20h48 Tiết mục múa Trống cơmLễ trao giải VinFuture cũng là cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về bản sắc một Việt Nam giàu truyền thống đang hội nhập và vươn lên trong sự phát triển chung của thế giới.
Đến với Lễ trao giải VinFutre 2024, những giai điệu quen thuộc, gần gũi của ca khúc "Trống cơm" đã được phối khí mới đem đến hơi thở hiện đại, từ đó thể hiện thông điệp bứt phá, sáng tạo nhưng không quên đi những giá trị văn hóa cội nguồn. Tiết mục múa "Trống cơm" được thể hiện bởi vũ đoàn PL dưới sự dàn dựng của biên đạo, nghệ sĩ ưu tú Phan Lương.
Tiết mục múa Trống cơm. Ảnh: Việt Linh
20h40 Nhà sáng lập VinFuture tặng hoa tri ân Hội đồng giải thưởngTiếp theo chương trình, hai nhà sáng lập quỹ VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân bà Phạm Thu Hương lên sân khấu trao những đóa hoa sen như lời tri ân từ VinFuture gửi đến các thành viên Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture 2024.
Ông Phạm Nhật Vượng (bìa phải) tặng hoa tri ân các nhà khoa học Hội đồng giải thưởng. Ảnh: Ngọc Thành
20h30 'Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học tỏa sáng'Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với thông điệp "Bứt phá kiên cường", VinFuture 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục vinh danh các công trình nghiên cứu và phát minh mang tính đột phá, tác động sâu rộng, giúp nhân loại vượt qua khó khăn và chạm tới những đỉnh cao mới. Trong thế giới đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức ngày nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để chúng ta bứt phá, vươn xa, bay cao, hội nhập trong tiến trình phát triển, làm cho thế giới, nhân loại ngày càng tốt đẹp, ấm no và hạnh phúc hơn.
Theo Thủ tướng, Tuần lễ Khoa học VinFuture 2024 và Lễ trao giải thưởng hội tụ những "tinh hoa", những "người khổng lồ" của khoa học thế giới với những thành tựu khoa học xuất sắc, đặc biệt là 4 công trình khoa học được vinh danh.
Với phạm vi bao quát các lĩnh vực cốt lõi như khoa học máy tính, y tế cộng đồng, sức khỏe toàn cầu, khoa học vật liệu và y học tái tạo, các công trình được vinh danh hôm nay đều là các sáng kiến đột phá, những giải pháp quan trọng giải quyết các thách thức chung mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, và góp phần định hình tương lai của thế giới.
Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của nhà khoa học và Giải VinFuture. Ảnh: Ngọc Thành
Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn ông Phạm Nhật Vượng và Phu nhân về việc hình thành, phát triển và khẳng định tầm vóc quốc tế của Quỹ VinFuture. Giải thưởng VinFuture đang trở thành một trong những giải thưởng khoa học thường niên uy tín, truyền cảm hứng, thúc đẩy hợp tác toàn cầu, kết nối những ý tưởng sáng tạo để giải quyết những thách thức lớn của toàn dân. Điều đó cũng phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, nơi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Ông tin tưởng rằng, giải thưởng VinFuture tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà khoa học, doanh nhân, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam với nhiệt huyết, khát vọng, ý chí vươn lên và sự kiên trì, bền bỉ để hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão của mình.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu và là quốc sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng.
Trong nỗ lực "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên", Việt Nam xác định rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ưu tiên nguồn lực và tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, đặc biệt quan trọng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật
Ông mong muốn các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác quốc tế và trong nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả hơn nữa để Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách với quan điểm "thể chế là đột phá của đột phá", phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, các quỹ đầu tư mạo hiểm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần tạo động lực bứt phá, sớm hiện thực hóa, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tỏa sáng, phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện thực hóa các ý tưởng, cơ hội, dự án đầu tư của mình tại Việt Nam.
Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, luôn là đối tác tin cậy, là người bạn đồng hành thủy chung và nỗ lực hết sức mình để đóng góp cho vai trò là một trong những "người truyền lửa" trong phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu.
20h20 'Công trình giải VinFuture đã được giải Nobel'Phát biểu khai mạc sự kiện, Giáo sư Sir Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture chia sẻ, những công trình khoa học và kỹ thuật đột phá của các đối tác đề cử đã mang lại tác động sâu rộng tới sự phát triển toàn cầu. Đó là kết tinh của những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân loại. Đồng thời, những khám phá này cũng là lời nhắc nhở, dù hiểu biết của loài người về thế giới vật chất nhiều đến đâu, vẫn còn vô vàn bí ẩn cần khám phá. Càng tiến xa hơn với những công cụ và ý tưởng mới, thế giới tự nhiên càng tiếp tục đem đến nhiều bất ngờ và những cơ hội mới.
Theo ông, con người cần tiếp tục sử dụng những công cụ mới này để giải quyết những thách thức cấp bách mà nhân loại đang phải đối mặt, đảm bảo sự thịnh vượng bền vững và sức khỏe cộng đồng.
Giáo sư Sir Richard Henry Friend phát biểu khai mạc. Ảnh: Ngọc Thành
Để tôn vinh những Chủ nhân Giải thưởng VinFuture năm 2024, Hội đồng sơ khảo và Hội đồng giải thưởng đã bắt đầu đánh giá ngay sau khi đóng cổng đề cử vào tháng 4 và đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng vào cuối tháng 9. "Công trình của các chủ nhân giải thưởng là những minh chứng rõ nét cho tầm vóc và tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Giải thưởng VinFuture qua bốn mùa giải", ông khẳng định.
Ông cho biết, VinFuture đã nhận được sự đóng góp tích cực của hàng nghìn đối tác đề cử với nhiều dự án xuất sắc. Đơn vị cũng khẳng định tầm nhìn đúng đắn khi hai nhóm nhà khoa học từng được vinh danh bởi VinFuture đã tiếp tục được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận tại giải Nobel.
Nhóm Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên, Tiến sĩ Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman, đã xuất sắc nhận giải Nobel Y học 2023. Công trình nghiên cứu đột phá về biến đổi và kiểm soát mARN đã giúp phát triển vaccine chống lại Covid-19, hứa hẹn là nền tảng cho việc phát triển nhiều phương pháp điều trị mới.
Sau đó, Tiến sĩ John Jumper và Tiến sĩ Demis Hassabis đến từ Google DeepMind, chủ nhân Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới năm 2022, cũng tiếp tục được vinh danh giải Nobel Hóa học 2024 nhờ công trình đột phá về mô hình AI dự đoán cấu trúc protein.
Buổi lễ trao giải tối nay cũng là một sự kiện điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture, với nhiều cuộc thảo luận về cơ hội, giải pháp ở hàng loạt lĩnh vực và công nghệ. Những tiến bộ trong công nghệ năng lượng xanh, từ pin mặt trời tới các giải pháp lưu trữ năng lượng, đã mang đến những giải pháp dễ ứng dụng với chi phí phải chăng.
Tuy nhiên, những giải pháp dài hạn phải bảo đảm đáp ứng được hàng loạt thách thức đối với việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong toàn bộ chu trình từ khai thác khoáng sản đến tái chế khi hết vòng đời. Những giải pháp không chỉ giải quyết mục tiêu cấp bách trước mắt là giảm phát thải ròng về 0, mà còn cần giải quyết những mục tiêu rộng hơn, như chất lượng không khí và ô nhiễm đô thị.
"Chất lượng không khí kém tại các thành phố đang trở thành một thách thức toàn cầu, ví dụ như mức độ ô nhiễm cao tại tiểu lục địa Ấn Độ đang được báo chí phản ánh rộng rãi trong những tuần qua", ông nói.
Đây đều là những chủ đề đã được thảo luận tại hai buổi Tọa đàm "Khoa học & cuộc sống" vào đầu tuần này. Thêm vào đó, sự phát triển vượt bậc về hiệu suất và triển khai AI tạo sinh đã làm rung chuyển các ngành công nghiệp và xã hội, đặt ra những cơ hội và thách thức mà giới khoa học đã mổ xẻ trong tọa đàm "Triển khai AI trong Thực tế".
Hàng trăm nhà khoa học danh tiếng tham dự sự kiệnTối 6/12 giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Từ sớm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các lãnh đạo, CEO công nghệ cùng nhiều nhà khoa học, khách mời đã tề tựu tại sự kiện. Trong số này có nhiều nhà nghiên cứu là chủ nhân của những giải thưởng quốc tế danh giá như Nobel, Millennium Technology, Turing và VinFuture các mùa trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Phạm Nhật Vượng Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tại sự kiện tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành
Đây là năm thứ tư giải thưởng được tổ chức bởi Quỹ VinFuture, được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương. Giải thưởng vinh danh những phát minh, công nghệ đột phá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại.
VinFuture có 4 hạng mục. Trong đó, giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD (hơn 76 tỷ đồng). Ba giải đặc biệt mỗi giải trị giá 500 nghìn USD (gần 13 tỷ đồng) dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Hội đồng giải thưởng cho biết năm nay nhận được gần 1.500 dự án nghiên cứu đề cử bởi hơn 9.000 đối tác đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2023 nhận được 1.389 hồ sơ đề cử, đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu lục. Con số này năm thứ hai là 970 và mùa một là 599 đề cử.
Các nhà khoa học đến sự kiện từ sớm. Ảnh: Việt Hùng
Vũ Chi - Nhật Lệ - Nguyễn Phượng
Có 3 nội dung mới cập nhật